Hôm qua, gần nhà tôi xảy ra một vụ trộm cắp. Tên trộm nhân lúc anh M đang ngủ trưa đã lẻn vào nhà để lấy trộm tiền và tài sản. Thấy tiếng động anh M tỉnh dậy, nhìn thấy người lạ trong nhà đang cầm tiền và dây chuyền vừa trộm được trên tay. Anh M ra giằng lại được nhưng bị tên trộm đánh đến ngất xỉu rồi lấy tiền và dây chuyền chạy mất. Số tiền tên trộm lấy là 10 triệu đồng và sợ dây chuyền trị giá khoảng 2 triệu đồng. Vậy tên trộm phạm những tội gì và bị phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Xem thêm:
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng, Luật Nhân Dân xin tư vấn cho bạn như sau:
Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 BLHS 2015 sửa đổi 2017 như sau:
“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
- Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
- e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
- g) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Về hành vi hành hung để tẩu thoát được giải thích tại Mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BTP Thông tư liên tịch của Toà án Nhân Dân tối cao, Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao, bộ Công An, bộ Tư ngày 25 tháng 12 năm 2001về việc hướng dẫn áp đụng một số quy định tại chương xiv "các tội xâm phạm sở hữu" của bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
“6.1. Phạm tội thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát" là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.”
Theo quy định trên nếu người phạm đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực tấn công người bị hại nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
Trong câu hỏi của bạn, lúc đầu tên trộm nhân lúc anh M đang ngủ trưa đã lẻn vào nhà để lấy trộm tiền và tài sản. Đây là đặc điểm đặc trưng của hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, khi anh M thấy tiếng động đã tỉnh dậy và có hành động giành lại được tiền và sợi dây chuyền nhưng lại bị tên trộm dùng vũ lực đánh cho ngất xỉu rồi lấy lại tiền và dây chuyền chạy mất. Hành vi này cho thấy tên trộm đã có hành vi dùng vũ lực với anh M nhằm mục đích chiếm đoạt cho được tài sản. Do đó, theo hướng dẫn tại Mục 6 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BTP thì trên trộm đã phạm vào tội cướp tài sản chứ không còn là tội trộm cắp tài sản nữa.
Tội cướp tài sản được quy định trong BLHS 2015 sửa đổi 2017 tại Điều 168 như sau:
“Điều 168. Tội cướp tài sản
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
- d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
- g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- h) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
- c) Làm chết người;
- d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Theo quy định trên, tên trộm có thể bị phạt tù từ 03 năm đến chung thân.
Ngoài ra tên trộm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trộm cắp tài sản bị phát hiện nên hành hung để tẩu thoát phạm tội gì đã được Luật Nhân Dân giải đáp cụ thể. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn. Nếu quý khách đang gặp rắc rối về luật hình sự cần tư vấn, hãy liên hệ với Công ty Luật Nhân Dân để được hỗ trợ giải quyết tốt nhất.
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT NHÂN DÂN VIỆT NAM
- Địa chỉ trụ sở chính: Số 16, ngõ 84 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội
- Hotline tư vấn pháp luật miễn phí:
- Mobile: 0966.498.666
- Tel: 02462.587.666
- Email: luatnhandan@gmail.com
Luật Nhân Dân tổng hợp
No comments:
Post a Comment