Thế nào là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và tội này bị xử phạt như thế nào theo quy định của luật hình sự? Dưới đây là giải đáp vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời bạn đọc cùng tham khảo.
Thế nào là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
Theo quy định luật hình sự, Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi của một người không tự kìm chế được mình trước hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với chính mình hoặc đối với người thân thích của mình nên đã giết chết nạn nhân.
Các yếu tố cấu thành tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
+ Khách thể:
Tội phạm giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của con người.
+ Chủ thể:
Tội phạm này có chủ thể là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
+ Mặt khách quan:
Hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Người phạm tội khi thực hiện hành vi giết người phải ở trong trạng thái khả năng kiểm soát, kiềm chế hành vi của mình bị hạn chế nhưng chưa đến mức mất toàn bộ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Để đánh giá được trạng thái kích động mạnh hay không phải đánh giá toàn bộ các tình tiết vụ án như mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội; hoàn cảnh, điều kiện khách quan bên ngoài tác động đến tinh thần của nạn nhân, của người phạm tội; nhân thân của người phạm tội,... Tiêu chí để đánh giá trạng thái kích động mạnh là bất kỳ người nào bình thường về tinh thần mà đặt trong hoàn cảnh đó đều có thể bị kích động mạnh.
- Nạn nhân phải có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng hoặc hành vi trái pháp luật hay trái đạo đức tuy ko lớn nhưng xâm phạm đến người phạm tội hoặc thân thích của người phạm tội một cách thường xuyên gây ức chế tâm lý cho người phạm tội
- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của nạn nhân với tình trạng kích động mạnh về tinh thần của người phạm tội. Nghĩa là nếu người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần nhưng không phải do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra thì sẽ không phạm tội này.
+ Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý
Một số lưu ý khi xác định tội phạm này:
- Về hậu quả của hành vi giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh: Hậu quả bắt buộc là nạn nhân chết. Nếu nạn nhân không chết thì không phạm tội này hay tội phạm này không có phạm tội chưa đạt.
- Người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần nhưng không phải do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra thì sẽ cấu thành tội giết người
- Nếu hành vi của người phạm tội vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội giết người tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2017, vừa thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh Bộ luật hình sự 2017 tại Điều 125 thì ưu tiên áp dụng Điều 125. Ví dụ chị M có thai đánh đập, chửi mắng B thường xuyên khiến B bị ức chế về tâm lý và đã giết chị M. TRong trường hợp này, xác định B phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh chứ không xác định B phạm tội giết người với tình tiết tăng nặng giết phụ nữ đang có thai.
Quy định của pháp luật hình sự về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Điều 125 bộ luật hình sự 2015, bổ sung năm 2017 quy định hai mức khung hình phạt như sau:
+ Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Khung hình phạt này áp dụng đối với người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó
+ Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
Khung hình phạt này áp dụng khi phạm tội này với 2 người trở lên
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân dân về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu còn những vướng mắc cần giải đáp tội phạm này hay những vấn đề có liên quan hãy liên hệ dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hình sự hiện hành.
Nguồn: https://luatnhandan.vn/toi-giet-nguoi-trong-trang-thai-tinh-than-bi-kich-dong-manh/
No comments:
Post a Comment